Nhiều cha mẹ cảm thấy rất căng thẳng và lo lắng khi con quấy khóc nhiều. Nhưng ‘giải mã’ tiếng khóc của bé không hề dễ dàng, nhất là nếu bạn làm mẹ lần đầu. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ đoán đúng tín hiệu của con thông qua tiếng khóc..
Con bị đói bụng
Dung tích dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ, vì thế mỗi bữa con chỉ ăn một lượng nhỏ, chia thành nhiều bữa trong ngày. Thế nên trẻ cũng rất nhanh bị đói. Khi đói, con hay khóc lớn và kèm theo các dấu hiệu nhận biết như: có các động tác mút tay, miệng nhóp nhép. Khi cho trẻ bú xong, nhưng con tiếp tục khóc lại, đây có thể là dấu hiệu cho thấy bé chưa được bú no.

Tã hoặc bỉm của con bị bẩn hoặc quá ướt
Khi muốn thay tã bằng trẻ cũng sẽ báo hiệu cho bố mẹ bằng cách khóc. Nhưng tiếng khóc thường không quá gay gắt, không có gì đặc biệt. Một số trẻ đôi khi hét to lên, nước mắt dàn dụa. Với vấn đề này, mẹ chỉ cần giải quyết bằng cách kiểm tra tã của trẻ. Tốt nhất bạn nên thay bỉm tã cho trẻ 2-3 giờ/lần để đảm bảo vệ sinh, tránh hăm đỏ từ bỉm tã của trẻ. Nếu con ị ra tã bỉm thì nên thay ngay lập.
Trẻ buồn ngủ
Với trẻ sơ sinh khi buồn ngủ chúng thường quấy khóc và gắt ngủ. Bạn có thể nhận biết điều này khi trẻ khóc kèm theo hành động lấy tay dụi vào mắt, gãi đầu gãi tai. Một số bé có thói quen mút tay, ban đầu con khóc tương đối nhỏ, nếu xung quanh ồn ào quá và bé không ngủ được thì sẽ khóc to và nhiều hơn. Khi có những dấu hiệu này mẹ cần cho con đi ngủ ngay.
Trẻ muốn làm nũng, muốn được ôm ấp
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng ôm ấp con quá nhiều rất dễ khiến bé “bện hơi”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong những tháng đầu đời, bé rất cần sự âu yếm vỗ về của bố mẹ. Do vậy khi trẻ quấy khóc, hoặc làm nũng muốn được ôm ấp, con sẽ có các biểu hiện sau: tiếng khóc lúc cao, lúc thấp, con khóc có thể không có nước mắt, tay chân múa lung tung, mắt đảo sang trái sang phải. Lúc này mẹ hãy bế con lên và nhẹ nhàng âu yếm bé.
Con bị khó chịu ở vùng bụng
Khi bị đau bụng, đầy hơi, khó tiêu… hoặc các vấn đề khác ở vùng bụng, trẻ sẽ thường xuyên quấy khóc nhiều sau khi bú xong. Tiếng khóc có thể lớn và dai dẳng đến nỗi không thể dỗ dành được. Tình trạng khóc của trẻ diễn ra thường xuyên khoảng 3 giờ mỗi ngày, 3 ngày mỗi tuần và liên tục khoảng 3 tuần. Khi đó bạn nên đưa con đi khám để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Trẻ quá lạnh hoặc quá nóng
Khi con cảm thấy lạnh hoặc thấy nóng, bé sẽ khóc để cha mẹ nhận biết. Thông thường khi bị lạnh con sẽ khóc gay gắt hơn khi bị nóng. Nếu khi thay quần áo cho con hoặc sau khi tắm bé khóc nhiều hơn, đây là dấu hiệu cho thấy có thể trẻ đang cảm thấy lạnh.
Do bé bị hoảng sợ
Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, nên dễ bị hoảng sợ do tiếng động lớn, ánh sáng hay đêm tối… Khi đó trẻ khóc thét lên, toàn thân dãy dụa lung tung.
Trẻ khóc vì mọc răng
Khi mọc răng, bé luôn có cảm giác đau nhức và khó chịu ở nướu nên quấy khóc nhiều. Do đó cha mẹ cần nhận biết để xử lý, giúp bé giảm đau trong giai đoạn này. Các biểu hiện thường thấy khi bé mọc răng là: lấy tay sờ, cọ răng vào bất cứ vật gì, gặm, nhấm đồ, thích nhét đồ vào miệng…
Nhận biết chính xác vấn đề của con thông qua tiếng khóc sẽ giúp cha mẹ khắc phục đúng cách và giảm bớt tình trạng quấy khóc nhiều ở trẻ.